Cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Anh là hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc, cũng như nhiều trí thức khác, khát vọng của ông là gây dựng được một nền văn hóa riêng cho dân tộc mình, một nền văn hóa có bản sắc, có khả năng thâu thái tinh hoa của các dân tộc khác nhau và nhất là phải độc lập trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với thế giới. Cả cuộc đời ông đã đeo đuổi, kiên trì và nhất quán cho sự nghiệp tinh thần đó với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn, cần cù lao động khoa học và với một tấm lòng yêu văn hóa dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời mà không dễ gì có thể vượt qua.
Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh đã tổng kết đầy đủ và sâu sắc toàn bộ cuộc đời ông: “Cái khía cạnh chủ đạo là sự diễn biến tư tưởng của tôi từng bước đi vào chủ nghĩa Mác để lấy nó làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động của tôi trong lĩnh vực nghiên cứu và tư tưởng, vì đời tôi thực ra không phải là một cuộc đời hoạt động chính trị, mà là cuộc đời tìm tòi và phục vụ về văn hóa của một người trí thức mà thôi”.
Đào Duy Anh (1904 – 1988) – nhà sử học, từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam sinh tại Thanh Hóa, tác giả của những công trình lịch sử, văn hóa có giá trị. Ngoài ra, ông còn hiệu đính, biên dịch, chú giải: Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Thánh Tông di thảo, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử kí toàn thư, Nguyễn Trãi toàn tập, Đại Nam nhất thống chí, Binh thư yếu lược – phụ Hổ trướng khu cơ; Khóa hư lục (dịch), Sở từ (dịch), Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều… Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông được ghi tên vào bộ từ điển Larousse (Pháp) với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.
(Sách hiện có tại thư viện trường)