Hệ mặt trời có bao nhiêu hành tinh theo định nghĩa mới? Trước năm 1930 các sách ghi Hệ Mặt Trời có 8 hành tinh, tính từ gần ra xa Mặt Trời là: Thuỷ tinh (Mercury), Kim tinh (Venus), Trái Đất (Earth), Hoả tinh (Mars), Mộc tinh (Jupiter), Thổ tinh (Saturn), Thiên Vương tinh (Uranus), Hải Vương tinh (Neptune), và có một số tiểu hành tinh.

hanhtinh

Định nghĩa mới của hành tinh

Năm 1930, người ta tìm ra hành tinh thứ chín, đặt tên là Diêm Vương tinh (Pluto). Diêm Vương tinh có đường kính 2360 km, quỹ đạo là elip có bán trục lớn bằng khoảng 40 lần bán kính quỹ đạo Trái Đất, có chỗ chồng chéo lên quỹ đạo của Hải Vương tinh, đi một vòng mất 248 năm của Trái Đất, và có một vệ tinh là Charon.

Từ ngày 14 đến ngày 25 tháng 8 năm 2006, Hiệp hội Thiên văn quốc tế (International Astronomical Union ) đã họp ở Praha (Tiệp) và thông qua một số quyết định, trong đó có định nghĩa mới của hành tinh. Sở dĩ có vấn đề này vì người ta tiếp tục tìm được ở xa hơn Diêm Vương tinh những thiên thể mới như 2003 UB 313, 2005 FY 9, to xấp xỉ Diêm Vương tinh. Nếu cũng gọi là hành tinh thì danh sách không bao giờ ổn định.

Giữa 8 hành tinh “cổ điển” và các “ứng cử viên hành tinh” có những khác biệt. Hành tinh “cổ điển” có khối lượng và đường kính rất lớn, có quỹ đạo gần tròn, mặt phẳng quỹ đạo nghiêng rất ít so với quỹ đạo Trái Đất, còn các “ứng cử viên” thì có quỹ đạo elip nghiêng đáng kể. Như quỹ đạo của Diêm Vương tinh có tâm sai (số đo độ dẹt) e = 0,25 (e của Trái Đất = 0,017), nghiêng 17,17độ; quỹ đạo của 2003 UB 313 nghiêng tới 45độ !

Sau hai năm làm việc, một uỷ ban gồm một số nhà thiên văn học, và cả nhà sử học, nhà văn, đã đưa ra

Định nghĩa mới của hành tinh. Lúc đầu chỉ có 2 điều kiện là:

  1. Thiên thể phải có đủ khối lượng để tự hấp dẫn thành hình gần hình cầu.
  2. Phải chuyển động quanh một sao, nhưng bản thân không là sao hoặc vệ tinh của một hành tinh. (Sao hiểu theo định nghĩa là tự phát sáng).

Nếu chỉ có hai điều kiện này thì không chỉ Diêm Vương tinh mà cả Ceres (phát hiện từ 1801 và coi là tiểu hành tinh (aster-oid)), cả 2003 UB 313 và 2005 FY9 cũng là hành tinh. Ta có 9+3 = 12 hành tinh và sẽ còn có nữa! Do thấy không ổn nên uỷ ban đã bổ sung thêm điều kiện thứ 3:

  • Thiên thể phải đã “quét sạch” không gian gần nó (Nghĩa là nó có khối lượng lớn nhất trong một khoảng không gian và đã hút vào nó các thiên thể ở gần).

Với định nghĩa mới này thì chỉ có 8 hành tinh cổ điển được giữ chức danh “hành tinh”. Ba thiên thể kia nay xếp vào một loại mới là hành tinh lùn (dwarf planet). Một sửa đổi khác nữa là: Charon sẽ không coi là vệ tinh của Diêm Vương tinh vì khối tâm của Diêm Vương tinh + Charon nằm ngoài Diêm Vương tinh, cả hai quay quanh khối tâm ấy, và sẽ gọi là hành tinh lùn kép.

Đầu năm nay Mỹ đã phóng trạm vũ trụ New Horizons, dự tính đến 2015 nó sẽ bay gần Diêm Vương tinh và cung cấp thêm thông tin.

(Tổ bộ môn Vật lý)