Túp lều bác Tom
Túp lều bác Tom (tên tiếng Anh: Uncle Tom’s Cabin), còn được gọi với tên là Cuộc sống giữa những lầm than(tiếng Anh: Life Among the Lowly) là một tiểu thuyết chống chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ của nhà văn Harriet Beecher Stowe người Mỹ. Được xuất bản vào năm 1852, cuốn tiểu thuyết đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm đối với những người Mỹ gốc Phi và tình cảnh nô lệ ở Hoa Kỳ, làm tăng thêm sự xung đột giữa các tầng lớp dẫn đến Nội chiến Hoa Kỳ, theo Will Kaufman.
Nhà văn Stowe là một người hoạt động chống lại sự nô lệ, đã làm nổi bật trong tiểu thuyết của mình nhân vật bác Tôm, một nô lệ da đen phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Tiểu thuyết mô tả sự độc ác, tàn bạo có thật của sự nô lệ, đồng thời cũng khẳng định tình yêu thương có thể vượt qua mọi thứ để chiến thắng, lật đổ sự nô dịch hoá trong xã hội loài người.
Túp lều bác Tom là một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, trong tuần đầu tiên 5.000 bản đã được bán sạch (và cũng là quyển sách bán chạy thứ hai trong thế kỷ đó, sau Kinh Thánh) và được tin là động lực cho cuộc đấu tranh bãi nô. Trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền Nam nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.
Cuốn theo chiều gió
Cuốn theo chiều gió (Nguyên văn: Gone with the wind), xuất bản lần đầu năm 1936, là một cuốn tiểu thuyết tình cảm của Margaret Mitchell, người đã dành giải Pulitzer với tác phẩm này năm 1937. Câu chuyện được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta, miền Nam Hoa Kì trong suốt thời kì nội chiến và thời tái thiết. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O’Hara, một cô gái miền Nam đầy sức mạnh, phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 1937.
Những người khốn khổ
Những người khốn khổ (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểmNapoléon lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.
Don Quixote
Câu chuyện theo bước chân của Quixada, một nhà quý tộc nghèo khoảng 50 tuổi sống ở miền Aragon và Castile, trở về thế kỷ XV tại Tây Ban Nha. Tại thời điểm đó, những chuyện hoang đường phi lý về các hiệp sĩ rất thịnh hành. Nhà quý tộc Quixada say mê những truyện này đến độ cuồng si, bao nhiêu tiền cũng bỏ ra mua truyện hết. Đầu óc chàng ta lúc nào cũng đầy những ý tưởng về sự mê hoặc, đánh nhau, thách đấu, thương vong, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu người đẹp hào hùng. Mọi sự tầm thường trong con mắt và suy nghĩ của chàng lại trở nên hoành tráng, mỗi chủ quán là một vị đại thần, mỗi người cưỡi la là một chàng hiệp sĩ, ả gái điếm thành công nương, quán trọ là lâu đài tráng lệ.
Đồi gió hú
Tiểu thuyết bắt đầu bằng năm 1801, khi ông Lockwood tới sống tại trang trại Thrushcross, một căn nhà lớn vùng đồng cỏ hoang vắng xứ Yorkshire mà ông thuê từ người chủ đất Heathcliff, một người vốn sống trong một tòa nhà có tên Đồi gió hú. Lockwood qua đêm tại nhà của Heathcliff và trải qua một giấc mộng kinh hoàng khi hồn ma của Catherine Earnshaw cầu xin ông cho giúp nó vào nhà. Khi quay trở về Thrushcross, Lockwood đã đề nghị bà quản gia Nelly Dean kể lại câu chuyện của Heathcliff và Đồi gió hú.
Nelly bắt đầu câu chuyện bằng việc quay lại 30 năm trước đó, khi Heathcliff, một đứa trẻ bị bỏ rơi sống vất vưởng trên đường phố Liverpool được chủ nhân của Đồi gió hú, ông Earnshaw, nhặt về nuôi nấng và nhận làm con nuôi…
Trăm năm cô đơn
José Arcadio Buendía là người đầu tiên trong cây dòng họ này, một người đàn ông khỏe mạnh và quan tâm tới các giả thuyết về triết học. Cha mẹ José đã ngăn cản ông và Úrsula Iguarán lấy nhau do hai dòng họ của hai người đã có mối quan hệ thâm giao lâu đời, cháu chắt họ lấy nhau và đã từng có trường hợp đẻ ra một người có đuôi lợn. Tuy nhiên, với tình yêu sâu nặng, hai người vẫn nhất quyết lấy nhau, nhưng Úrsula Iguarán vẫn sợ sự đe dọa trên nên khi đi ngủ bao giờ cô cũng mặc quần trinh tiết do mẹ may cho, nó có một hệ thống dây da chằng chéo và khóa sắt to sụ. Sự việc cứ kéo dài như vậy hơn một năm và dân làng đồn ầm lên rằng José là kẻ bất lực. Trong một cuộc chọi gà, một người bạn thân do cay cú khi bị thua nên đã chọc tức José. José trong cơn bực tức đã giết người này. Hôm đó về nhà, anh nhất định bắt vợ bỏ chiếc quần trinh tiết đó đi và tuyên bố “dù có đẻ ra kỳ đà thì chúng mình sẽ nuôi kỳ đà”. Mặc dù đã toại nguyện trong cuộc sống gia đình nhưng José lúc nào cũng dằn vặt vì đã giết oan người bạn đó. Anh đã cùng vợ bỏ làng đi đến một vùng đất khác để tìm kiếm lại sự thanh thản cho mình. Sau này, khi sinh ra những đứa con, sau mỗi lần đẻ, Úrsula đều phải xem con cặn kẽ xem chúng có mang bộ phận nào của loài vật không và luôn nhắc nhở con cháu phải tỉnh táo để nhận họ hàng, nghiêm cấm những mối quan hệ loạn luân.
Ông già và biển cả
Ông lão người Cuba, Santiago, người đã cố gắng chiến đấu trong ba ngày đêm vật lộn với một con cá kiếm khổng lồ trên biển vùng Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang đến ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về nhưng đàn cá mập đánh hơi thấy đã lăn xả tới, ông lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập, phóng lao, thậm chí cả mái chèo để đánh. Ông giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi nhìn đến con cá kiếm của mình thì nó đã bị rỉa hết thịt chỉ còn trơ lại một bộ xương khổng lồ.
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer
Tác giả không chỉ thuật lại một câu chuyện có hậu về chú Tom tinh nghịch và chú Huck lang thang, mà còn dựng lên một bức tranh hiện thực về môi trường bao quanh các nhân vật bé nhỏ, đặc biệt đi sâu vào thế giới bên trong của con người, miêu tả giản dị và chính xác tâm lý trẻ em. Tom Sawyer, nhân vật chính, cũng như Huck bạn em, khao khát một cuộc sống khác thường, một cuộc sống huy hoàng, lừng lẫy, sao cho mọi chú bé quen biết đều sầu não vì ganh tị, còn người lớn thì sững sờ vì kinh ngạc. Cùng với chiều sâu của nó, tác phẩm vẫn nhẹ nhàng tươi tắn, lấp lánh sắc màu rực rỡ. Nghệ thuật kể chuyện của Mark Twain cuốn hút và có sức hấp dẫn kì lạ. Người đọc luôn hồi hộp và luôn bị bất ngờ vì những bước ngoặt đầy kịch tính.
Vì vậy, cuốn sách được viết chủ yếu là để giải trí cho các em, nhưng không hẳn vì thế mà người lớn không bị hấp dẫn. Cuốn sách hàm ý nhắc lại một cách vui vẻ cho người lớn rằng: Có một thời họ đã như thế nào, đã cảm xúc, suy nghĩ, ăn nói ra sao và đôi khi đã lao vào những cuộc phiêu lưu kỳ quặc như thế nào.
Không gia đình
Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa và bị ở tù.
Chuông nguyện hồn ai
Chuông nguyện hồn ai là một bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống lại bọn phát xít Franco bảo vệ chế độ cộng hòa, một cuộc chiến kéo dài từ năm 1936 tới năm 1939. Nhân vật chính là Robert Jordan, một chiến sĩ người Mỹ chiến đấu trong Lữ đoàn quốc tế, tham gia cuộc chiến tranh vĩ đại chống lại sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa phát xít. Trong kế hoạch tấn công nhằm giải phóng một vùng lãnh thổ Tây Ban Nha của Sư đoàn số 14 do tướng Golz người Nga chỉ huy, Robert Jordan được lệnh phối hợp với một nhóm du kích đặt mìn phá hủy một cây cầu để chặn viện binh và đường rút chạy của quân địch. Anh lên đường đến Villaconejos để tổ chức kế hoạch tấn công cây cầu. Tại đây, khi gặp cô du kích Tây Ban Nha xinh đẹp tên là María, mối tình sâu nặng và đồng điệu trong một lý tưởng chung giữa anh và cô nảy nở. Tình yêu đó đã giúp cho hai người nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc sống và công việc họ đang làm. Nhưng bỗng Robert Jordan nhận thấy bọn phát xít đã đánh hơi được kế hoạch của cuộc tấn công và đang ráo riết tập trung quân bố trí phản kích. Anh cử ngay Andrés mang báo cáo về Ban chỉ huy Sư đoàn đóng ở Navacerrada đề nghị thay đổi kế hoạch tác chiến và cho ngừng ngay việc phá hủy cầu. Thế nhưng thật không may, do nhiều trắc trở và tính quan liêu của nhiều sĩ quan, lẽ ra đoạn đường chỉ cần đi trong ba giờ, Andret phải mất cả một ngày. Khi bức thư của Robert Jordan đến tay Gôndơ thì đã quá muộn, những chiếc máy bay ném bom đầu tiên mở màn cho trận đánh đã quần đảo trên bầu trời. Robert Jordan đành cho nổ mìn phá cây cầu theo kế hoạch đã định và dẫn đội du kích rút lui. Dọc đường, bom đạn quân thù khiến anh bị gãy chân, vết thương quá nặng, anh quyết định từ giã đồng đội và người yêu, ở lại ngọn đồi bên cạnh chiếc cầu bị phá nhằm chiến đấu cầm chân địch cho đội du kích rút lui an toàn.
Thằng gù nhà thờ Đức Bà
Tác phẩm ra đời xuất phát từ biệc tác giả muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris. Ông đã nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ này.Cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Tác phẩm đã thể hiện được sự vươn lên đến một tầm cao triết lý, qua cách mô tả một định mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy diệt. Chính cảm hứng bi quan này đã đêm đến cho tác phẩm vẻ lớn lao và hoang dại. Tác phẩm được chia làm 11 quyển.
Jane Eyre
Chuyện do nhân vật chính kể lại: Cô bé Jane Eyre mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được người cậu ruột mang về nuôi. Cậu chết, Jane phải ở với người mợ vốn tính cay nghiệt là bà Sarah Reed. Đây là một chuỗi ngày cực nhục đối với Jane: Cô bị chủ nhà và gia nhân ngược đãi, hắt hủi, là đối tượng trêu chọc của những đứa con hư của bà Sarah Reed. Trong gia đình ấy, Jane không được phép đọc sách, chơi đùa, lúc nào cũng có thể bị đánh đập, bị tống giam vào buồng tối, bỏ mặc cho đói và khát.
Năm Jane lên 10 tuổi, bà Reed gửi Jane vào trại mồ côi Lowood. Cũng như hàng ngàn trại trẻ khác trên khắp đất Anh, Lowood giáo dục trẻ em theo chủ nghĩa khổ hạnh “hành hạ thân xác để giữ gìn phần hồn”. Jane cùng bè bạn của cô phải sống trong những điều kiện ngặt nghèo: Ăn uống tồi tệ, chỉ rặt cháo khê, khoai thối, mỡ hôi, “đến người sắp chết đói ăn vào cũng phát ốm”, lại thêm quần áo không đủ ấm, dịch bệnh hoành hành, học sinh thường xuyên chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn như bị đánh đập, sỉ nhục… Nhưng ngay từ nhỏ, tinh thần phản kháng và ý thức tự lập đã sớm nảy sinh trong tâm hồn thơ trẻ của Jane.
Trà hoa nữ
Trà hoa nữ là một câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier. Nội dung Trà hoa nữ kể về mối tình bất thành của anh chàng luật sư Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải, truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại, dù là giới quý tộc, cái giới bị hạ thấp hơn cả cô kỹ nữ trong truyện. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; nàng có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis, người yêu của chính tác giả. Đọc tác phẩm ta có thể cảm nhận được có những giá trị vượt lên trên cả tình yêu trai gái bình thường, đó không chỉ là sự hi sinh cuộc sống của mình vì người mình yêu, Marguerite còn chấp nhận hi sinh hạnh phúc của mình vì người đàn bà khác (em gái Duval) người mà cô chưa từng gặp. Đàn bà hy sinh hạnh phúc vì đàn bà là một sự hy sinh hiếm có trong các tác phẩm viết về đề tài tình yêu, đáng khiến cho ta phải suy ngẫm.
Thép đã tôi thế đấy
Thép Đã Tôi Thế Đấy không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết Thép Đã Tôi Thế Đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể.
Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
Ba người lính ngự lâm
D’Artagnan là hậu duệ một dòng dõi quý tộc đã sa sút ở xứ Gascony. Năm 18 tuổi, chàng rời nhà trên một con ngựa còm để đến Paris với mong ước trở thành một lính ngự lâm của vua Louis XIII. Dọc đường, d’Artagnan làm mất lá thư tiến cử của cha mình với ông De Treville, đội trưởng lính ngự lâm, do đó ông này đón tiếp anh không mấy nhiệt tình. Tiếp đó, d’Artagnan húc trúng vào cái vai đang bị thương của Athos, một lính ngự lâm đầy phong cách quý tộc. Anh này đòi quyết đấu với d’Artagnan vào giữa trưa và được đồng ý ngay. Ngay sau đó, d’Artagnan gặp Porthos, một lính ngự lâm khác rất đô con và mang một dải đeo kiếm cực xịn nhưng d’Artagnan khám phá ra rằng chỉ có mặt ngoài là đẹp thôi, còn bên trong làm bằng da bò. Thế là d’Artagnan có cuộc quyết đấu thứ 2 vào sau buổi trưa. Cuối cùng d’Artagnan nhặt được một chiếc khăn tay của một lính ngự lâm đẹp trai tên Aramis (khăn của tình nhân của anh này), cãi nhau, và có cuộc hẹn đấu kiếm thứ 3 trong ngày. Đến các buổi hẹn đấu kiếm, d’Artagnan thấy 3 người kia đi cùng nhau, họ là bạn thân. Tuy nhiên luật hồi đó cấm đấu kiếm, và các vệ sĩ của Giáo chủ de Richelieu đến bắt họ. Một cuộc chiến diễn ra và d’Artagnan về phe các ngự lâm quân. Họ chiến thắng và d’Artagnan trở thành bạn thân của ba chàng lính ngự lâm kia. Phương châm của họ là “Một người vì tất cả, tất cả vì một người”, một câu mà vế thứ hai được d’Artagnan lợi dụng rất tốt.
(Sách hiện có tại thư viện trường)